Viettel sẵn sàng triển khai telehealth tại 14.000 cơ sở y tế
Ông Nguyễn Mạnh Hổ, CEO Viettel Solutions cho biết, để telehealth có thể triển khai hiệu quả tại các cơ sở y tế trên toàn quốc cần có 3 điều kiện hoàn thiện hệ sinh thái, thiết bị thăm khám đầu cuối có giá phù hợp với đa số người dân và có sự chung tay của nhiều sở ban ngành.
– Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa được khai trương vào lúc Covid-19 phức tạp. Vậy là dịch bệnh đã thúc đẩy Viettel đưa hệ thống này vào hoạt động sớm hay bản thân các yếu tố chuẩn bị của Viettel đã sẵn sàng?
– Viettel đã có đơn vị nghiên cứu các giải pháp công nghệ thông tin cho ngành y tế trong nhiều năm, mang lại nhiều thành công cho ngành y. Khi Covid-19 phức tạp, Viettel chủ động trong tham gia, đóng góp các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hổ, CEO Viettel Solutions.
Bên cạnh đó, Các doanh nghiệp ICT như Viettel nhận được sự chỉ đạo, khuyến khích lớn từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tập trung nguồn lực, nghiên cứu, đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ cho các ngành thiết yếu như y tế, giáo dục…
Những yếu tố đó đã cộng lực để Viettel cho ra mắt nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) cuối tuần trước.
– Khi xây dựng và hoàn thiện sản phẩm này, mục tiêu các kỹ sư Viettel Solutions hướng đến là gì?
– Do ảnh hưởng của dịch, người dân không có nhiều cơ hội đến bệnh viện do giãn cách, hạn chế nơi đông người. Ngoài ra, người dân ở tuyến dưới vẫn có tâm lý muốn đến các bệnh viện lớn từ đó gia tăng áp lực cho tuyến trên. Điều này cũng đồng thời làm phát sinh chi phí không cần thiết cho xã hội. Đấy là những vấn đề được chúng tôi đặt ra và tìm hướng giải quyết.
– Trước đây một số ứng dụng cho việc khám chữa bệnh từ xa đã được triển khai tại bệnh viện, nền tảng cho y tế từ xa của Viettel đem đến điều gì khác biệt?
– Về bản chất, khám chữa bệnh từ xa không mới đối với thế giới và cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Cụ thể một số đơn vị cung cấp tổng đài, ứng dụng mang tính chất tư vấn hay hội chuẩn từ xa về hình ảnh, tư vấn cận lâm sàng… Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào triển khai tương đối đầy đủ.
Trong khi đó, nền tảng của Viettel mang tính chất tập trung, đóng gói tất cả các giải pháp để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho công tác khám chữa bệnh từ xa. Nền tảng này sẽ giúp người dân không cần đến bệnh viện với những triệu chứng thông thường. Ngoài ra, telehealth cũng có những hỗ trợ cần thiết liên quan đến đào tạo, tập huấn cho ngành y tế.
– Những hỗ trợ cho đội ngũ y tế cụ thể là gì?
– Các y bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, ngay cả ở xã, huyện xa xôi cũng có cơ hội trao đổi, xin ý kiến, tư vấn từ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành mà không có khoảng cách và ngược lại. Thông qua đó, các bác sĩ sẽ vừa được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ.
– Khi dự khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng kỳ vọng nền tảng này có thể được triển khai khắp 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Vậy những nhân tố nào sẽ giúp cho Viettel nhân rộng việc triển khai?
– Sau lễ khai trương, Viettel vẫn tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện các giải pháp để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Nền tảng này có thể triển khai nhanh đến 14.000 cơ sở y tế trên cả nước nhờ ứng dụng điện toán đám mây. Tuy nhiên, tôi cho rằng để việc nhân rộng đạt hiệu quả thực sự, cần phải đảm bảo 3 yếu tố.
Thứ nhất, cơ sở pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa. Trước đây, các ý kiến chuyên gia thăm khám bệnh kiểu này chỉ đóng vai trò tư vấn. Do vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ cần chính thức hoá các ý kiến này giống như khám chữa bệnh trực tiếp.
Thứ hai, chính sách chi trả từ BHXH, BHYT tương tự như khám trực tiếp.
Thứ ba, các phần mềm, ứng dụng chỉ là một phần, chúng ta vẫn cần những thiết bị IoT, thiết bị y tế phục vụ thăm khám, đo chỉ số cá nhân tại gia đình với chất liệu và giá thành rẻ có thể chấp nhận được.
Khi giải quyết được 3 vấn đề này thì người dân có thể ngồi tại nhà, thông qua các thiết bị trong khả năng chi trả để tương tác, chuyển thông tin sức khoẻ đến bệnh viện.
– Theo ông, những khó khăn nào có thể gặp phải khi triển khai nền tảng này ở các cơ sở y tế tuyến dưới?
– Đầu tiên là thay đổi hoàn toàn thói quen thăm, khám bệnh từ người dân đến đội ngũ y bác sĩ. Chúng ta cần phải đào tạo lại, tập huấn các kỹ năng mới để bác sĩ, người dân thấy quen và thấy có hiệu quả với nền tảng mới. Tôi nghĩ đó là khó khăn lớn. Tuy nhiên, nếu triển khai thành công ở một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, tạo ra các kết quả tốt nhìn thấy được, các vấn đề sẽ dần giảm bớt.
Hiện tại chúng tôi đang tìm những thiết bị phù hợp trên thị trường nước ngoài để nhập về. Tuy nhiên, giá này có thể chưa thấp để người dân ở mức độ trung bình có thể mua được. Do đó, Viettel cũng đang nghiên cứu và phân tích thêm nhiều phương án khác và sẽ công bố khi tìm ra được ra phương thức tốt hơn.
– Là một sản phẩm “Make in Vietnam”, ông cảm thấy tự tin nhất ở điểm gì trong nền tảng y tế từ xa do các kỹ sư của Viettel xây dựng?
– Đây là sản phẩm được cộng lực của tri thức ngành từ các chuyên gia y tế, và từ đội ngũ kỹ thuật của Viettel và đối tác. Sản phẩm này là tâm huyết của rất nhiều người và có thời gian nghiên cứu khá lâu, khoảng 5 năm.
Bên cạnh đó, phần chuẩn đoán hình ảnh, theo dõi phim CT nhiều, rồi dựng bằng mô hình 2D, 3D của chúng tôi làm ra có chất lượng tương đương với thế giới.
Trong cách làm của Viettel, chúng tôi luôn đặt vấn đề là cộng lực để xây dựng platform và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào hệ sinh thái. Nền tảng khám chữa bệnh từ xa cũng vậy. Để đạt được mục tiêu đề ra, một mình Viettel không có sức làm hết. Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trình bày những thứ mình có và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp khác để cùng hoàn thiện.
– Khi xây dựng và khai trương hệ thống này, điều gì khiến ông nhớ nhất?
– Quá trình làm thì cũng dài nhưng tôi nhớ nhất là khoảng 8 ngày trước buổi khai trương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có triệu tập cuộc họp yêu cầu đúng 1 tuần là phải khai trương hệ thống và sẵn sàng triển khai cho 14.000 cơ sở y tế.
Trước đó, chúng tôi làm việc theo tinh thần hệ thống sẽ triển khai từng bước một. Tuy nhiên, yêu cầu mới khiến toàn bộ đội ngũ Viettel và đối tác nỗ lực hết sức, để hoàn thiện nền tảng. Đó là thứ đáng nhớ nhất. Nhờ vậy, chúng tôi hiểu được sức mạnh đồng đội của Viettel, sự gắn kết của Viettel với các y bác sĩ, đơn vị liên quan để cùng giải quyết vấn đề khi đất nước cần.
Nguồn : vnexpress.net